Captopril 25mg

Thành phần:

Captopril 25mg

Chỉ định:

Tăng huyết áp, suy tim không đáp ứng với đơn trị liệu thuốc lợi tiểu digitalis.

Liều lượng – Cách dùng

Tăng huyết áp khởi đầu 25 mg x 2 – 3 lần/ngày; nặng: có thể tăng đến 50 mg x 3 lần/ngày. Không quá 150 mg/ngày. Suy tim ứ huyết nên dùng kèm lợi tiểu.

Chống chỉ định:

Quá mẫn với captopril. Trẻ < 15 tuổi. Phụ nữ có thai & cho con bú.

Tương tác thuốc:

Thuốc ức chế miễn dịch, thuốc gây giảm bạch cầu hạt. Thuốc lợi tiểu giữ K, chế phẩm chứa K.

Tác dụng phụ:

Nổi mẩn, ngứa, đỏ bừng mặt, pemphigus, nhạy cảm ánh sáng, phù mạch, thay đổi vị giác, kích ứng dạ dày, đau bụng, viêm miệng, tăng creatinin, tăng K máu, nhiễm toan.

Chú ý đề phòng:

Tiền sử bệnh thận. Suy thận. Hẹp động mạch thận 2 bên. Bệnh nhân đại phẫu hay đang gây mê. Kiểm tra công thức bạch cầu & protein niệu trước & trong khi điều trị.

Bảo quản:

Thuốc độc bảng B

Thông tin thành phần Captopril

Dược lực:

Thuốc ức chế men chuyển angiotensine.
Captopril là thuốc ức chế men chuyển angiotensine I thành angiotensine II, chất gây co mạch đồng thời kích thích sự bài tiết aldostérone ở vỏ thượng thận.
Kết quả là:
– Giảm bài tiết aldosteron.
– Tăng hoạt động của renin trong huyết tương, aldosterone không còn đóng vai trò kiểm tra ngược âm tính.
– Giảm sự đề kháng ngoại vi toàn phần với tác động chọn lọc trên cơ và trên thận, sự giảm đề kháng này không gây giữ muối nước hoặc nhịp tim nhanh phản xạ.
Ðặc tính của tác động hạ huyết áp:
Captopril có hiệu lực ở mọi giai đoạn của cao huyết áp: nhẹ, vừa và nặng; Captopril được ghi nhận làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương, ở tư thế nằm và tư thế đứng.
Cơ chế tác động trên huyết động ở bệnh nhân suy tim:
Captopril giảm công việc của tim:
– Do tác động làm giãn tĩnh mạch, do điều chỉnh sự chuyển hóa của prostaglandine: giảm tiền gánh;
– Do giảm sự đề kháng ngoại vi toàn phần: giảm hậu gánh.
Các nghiên cứu được thực hiện ở bệnh nhân suy tim cho thấy rằng:
– Giảm áp lực đổ đầy thất trái và phải,
– Giảm sự đề kháng ngoại vi toàn phần,
– Giảm áp suất động mạch trung bình,
– Tăng lưu lượng tim và cải thiện chỉ số tim,
– Tăng lưu lượng máu đến cơ.
Các nghiệm pháp gắng sức cũng được cải thiện.
Các đặc tính trong nhồi máu cơ tim cấp:
– Giảm tử vong nói chung.
– Giảm tử vong do nguồn gốc tim mạch.
– Giảm tái phát nhồi máu cơ tim.
– Giảm tiến triển đến suy tim.
– Giảm khả năng phải nhập viện do suy tim.
Các đặc tính trong điều trị bệnh thận do tiểu đường:
Một số thí nghiệm so sánh với placebo cho thấy rằng điều trị bằng captopril cho bệnh nhân tiểu đường lệ thuộc insulin, có protein niệu, có cao huyết áp hoặc không, có creatinin huyết dưới 25mg/l sẽ làm giảm 51% nguy cơ tăng gấp đôi creatinin huyết và giảm 51% tỉ lệ tử vong và lọc thận nhân tạo-thay thận.

Dược động học :

– Hấp thu: Captopril được hấp thu nhanh qua đường uống (đỉnh hấp thu trong máu đạt được trong giờ đầu tiên). Tỉ lệ hấp thu chiếm 75% liều dùng và giảm từ 30 đến 35% khi dùng chung với thức ăn, tuy nhiên không ảnh hưởng gì đến tác dụng điều trị.
– Phân bố: Có 30% gắn với albumin huyết tương. Thời gian bán hủy đào thải của phần captopril không bị biến đổi khoảng 2 giờ.
Có 95% captopril bị đào thải qua nước tiểu (trong đó 40 đến 50% dưới dạng không bị biến đổi).
Ở bệnh nhân suy thận, nồng độ captopril trong huyết tương tăng đáng kể ở bệnh nhân có thanh thải creatinin ≤ 40ml/phút; thời gian bán hủy có thể tăng đến 30 giờ.
Captopril qua được nhau thai.
Một lượng rất nhỏ captopril được bài tiết qua sữa mẹ.
– Thải trừ: chủ yếu qua thận dưới dạng đã chuyển hoá khoảng 30- 40%.

Chỉ định :

– Huyết áp cao.
– Suy tim sung huyết.
– Trong giai đoạn sau nhồi máu ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái (phân suất phun ≤ 40%) và không có dấu hiệu lâm sàng suy tim. Ðiều trị lâu dài bằng captopril giúp bệnh nhân cải thiện sự sống còn, giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim cũng như giảm nguy cơ tiến đến suy tim.
– Bệnh thận do tiểu đường phụ thuộc insulin có protein niệu (> 300mg/24 giờ). Ðiều trị dài hạn sẽ làm chậm tổn thương ở thận.

Liều lượng – cách dùng:

Cao huyết áp vô căn:
Bệnh nhân có thể tích máu bình thường:
Liều thông thường: 50mg/ngày, chia làm hai lần uống cách nhau 12 giờ.
Trong một vài trường hợp nặng: 150mg/ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần, sau đó giảm từ từ liều này xuống.
Bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc lợi tiểu: hoặc ngưng thuốc lợi tiểu trước đó 3 ngày và dùng trở lại sau đó nếu cần thiết, hoặc bắt đầu bằng liều captopril 12,5mg/ngày, sau đó chỉnh liều theo đáp ứng và sự dung nạp.
Người già:
Liều dùng thấp hơn 25mg/ngày tùy theo chức năng thận được đánh giá trước khi bắt đầu điều trị, trường hợp thanh thải creatinin < 40ml/phút.
Suy thận:
Thanh thải creatinin > 41ml/phút:
– Liều khởi đầu: 25 đến 50mg/ngày.
– Liều tiếp theo: tối đa 150mg/ngày (theo nguyên tắc).
Thanh thải créatinine từ 21 đến 40ml/phút:
– Liều khởi đầu: 25mg/ngày.
– Liều tiếp theo: tối đa 100mg/ngày.
Thanh thải creatinin từ 11 đến 20ml/phút:
– Liều khởi đầu: 12,5mg/ngày.
– Liều tiếp theo: tối đa 75mg/ngày.
Thanh thải creatinin < 10ml/phút:
– Liều khởi đầu: 6,25mg/ngày.
– Liều tiếp theo: tối đa 37,5mg/ngày.
Cao huyết áp do thận: khởi đầu bằng liều 6,25mg/ngày.
Suy tim sung huyết:
Liều khởi đầu: khởi đầu bằng liều 6,25mg/ngày. Sau đó tăng dần liều hàng ngày từng nấc 12,5mg, sau đó 25mg.
Liều hiệu quả: 50 đến 100mg/ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần. Theo dõi liều lượng sao cho huyết áp tâm thu không < 90mmHg. Ðối với bệnh nhân suy tim đang điều trị bằng lợi tiểu, nên giảm liều còn phân nửa bằng cách cho 6,25mg mỗi 2 ngày.
Nhồi máu cơ tim cơn cấp:
Khởi sự điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt trên những bệnh nhân có điều kiện huyết động học ổn định: cho 1 liều thử đầu tiên 6,25mg. Sau đó 2 giờ cho 12,5mg và 12 giờ sau cho tiếp 25mg.
Ngày sau: 100mg chia làm 2 lần trong 4 tuần nếu tình trạng huyết động học cho phép. Sau đó đánh giá lại để tiếp tục điều trị.
Sau nhồi máu cơ tim: Nếu không bắt đầu điều trị bằng captopril trong vòng 24 giờ đầu của nhồi máu cơ tim cấp, có thể bắt đầu điều trị từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 16 sau cơn nhồi máu.
Liều khởi đầu (ở bệnh viện): 6,25mg/ngày, sau đó là 12,5mg x 3lần/ngày trong vòng 2 ngày, sau đó là 25mg x 3lần/ngày nếu điều kiện huyết động học bệnh nhân (huyết áp) cho phép.
Liều có hiệu quả bảo vệ tim trong điều trị lâu dài: 75 đến 150mg/ngày, chia 2 đến 3 lần.
Nếu bị tụt huyết áp, ta nên giảm liều thuốc lợi tiểu hoặc các thuốc dãn mạch khác.
Có thể dùng captopril chung với các thuốc tan huyết khối, aspirine, ức chế bêta.
Bệnh thận do tiểu đường: 50 đến 100mg/ngày, chia làm 2 đến 3 lần.

Chống chỉ định :

Tuyệt đối:
– Mẫn cảm với captopril.
– Hẹp động mạch chủ năng.
– Hạ huyết áp( kể cả có tiền sử hạ huyết áp).
– Tiền sử bị phù mạch (phù Quincke) do dùng thuốc ức chế men chuyển.
– Phụ nữ có thai (6 tháng cuối).
Tương đối:
– Phối hợp với thuốc lợi tiểu tăng kali huyết, muối kali và lithium: xem Tương tác thuốc.
– Hẹp động mạch thận hai bên hoặc chỉ còn duy nhất một quả thận làm việc.
– Tăng kali huyết.
– Phụ nữ có thai (3 tháng đầu) hoặc cho con bú.

Tác dụng phụ

Về phương diện lâm sàng:
– Nhức đầu, suy nhược, cảm giác chóng mặt.
– Hạ huyết áp theo tư thế hoặc không (xem Chú ý đề phòng và Thận trọng lúc dùng).
– Phát ban ngoài da.
– Ðau bao tử, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, thay. đổi vị giác.
– Ho khan được ghi nhận khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển. Ho có tính chất dai dẳng và sẽ khỏi khi ngưng điều trị. Nguyên nhân do thuốc phải được xét đến khi có những triệu chứng trên.
– Ngoại lệ: phù mạch (phù Quincke.
Về phương diện sinh học:
– Tăng vừa phải urê và creatinin huyết tương, hồi phục khi ngưng điều trị. Việc tăng này thường gặp hơn ở bệnh nhân bị hẹp động mạch thận, cao huyết áp được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, bệnh nhân suy thận. Trường hợp bị bệnh cầu thận, dùng thuốc ức chế men chuyển có thể gây protein niệu.
– Tăng kali huyết, thường là thoáng qua.
– Thiếu máu được ghi nhận khi dùng thuốc ức chế men chuyển trên những cơ địa đặc biệt (như ghép thận, lọc máu).

Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ

Nguồn: https://www.thuocbietduoc.com.vn/