SỐT XUẤT HUYẾT THAI KỲ

Chưa phân loại

Sốt xuất huyết là gì?

      Sốt xuất huyết dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF) hay Sốt dengue (dengue fever, DF, đọc là đăng-gi) , tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết, có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue (dengue shock syndrome, DSS) được gây ra do Dengue virus (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), nó được truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian là muỗi vằn (có tên khoa học là muỗi Aedes aegypti). 

      Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. 

      Hiện chưa có vaccine phòng ngừa.

      Triệu chứng của sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai?

      Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khá đa dạng và có nhiều thể khác nhau. Bệnh diễn biến khá nhanh với khởi phát đột ngột, có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng một cách nhanh chóng với 3 giai đoạn chính: giai đoạn khởi bệnh (giai đoạn sốt), giai đoạn đỉnh điểm (là giai đoạn nguy hiểm nhất), giai đoạn lui bệnh (hay giai đoạn hồi phục).

      Sản phụ nếu bị sốt xuất huyết, ngoài những biểu hiện chung của bệnh cảnh sốt xuất huyết ở người lớn còn có  những triệu chứng của những biến chứng sản khoa.

      Có thể có các biểu hiện như sau:

      • Sốt cao liên tục, có thể có rét run.
      • Đau nhức mỏi cơ toàn thân, người uể oải, mệt mỏi.
      • Mất nước và điện giải, ăn uống kém.
      • Đau đầu nhiều, có thể đau dữ dội khi sốt cao hoặc khi biểu hiện xuất huyết não.
      • Đôi khi thấy tức ngực, khó thở.
      • Có thể gặp buồn nôn, nôn khan hoặc nôn mửa.
      • Thường có phát ban phần trên cơ thể.
      • Các dấu hiệu chảy máu: Chảy máu chân răng, xuất huyết võng mạc, chảy máu cam, tiểu máu, đi ngoài ra máu, nôn ra máu, ho ra máu,… Nguy hiểm nhất là chảy máu não, xuất huyết nội tạng.
      • Các dấu hiệu nguy hiểm của  sốt xuất huyết thai kỳ có thể gặp: đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo, thai không máy, không đạp,…

      Thai phụ sốt xuất huyết có biến chứng gì?

      Thai phụ nếu mắc bệnh này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con, nhất là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ 

      Trong những ngày đầu thai phụ có thể bị sốt cao. Nếu sốt cao quá sẽ dẫn đến tình trạng nhịp tim thai đập nhanh hơn một số trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi, nên đi khám ở các bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và xử lý nhanh chóng.

      Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 bị sốt xuất huyết, thai phụ đối diện với nguy cơ giảm tiểu cầu máu, dẫn đến hiện tượng sốt xuất huyết chảy máu, nguy cơ cô đặc máu, có thể dẫn đến sốc. Thai phụ cần nhập viện để kiểm tra theo dõi sát sao.

      Thai phụ cần chú ý hơn khi đang ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu có hiện tượng chuyển dạ trong giai đoạn tiểu cầu máu hạ có thể dễ gặp hiện tượng băng huyết. Vì vậy khi có dấu hiệu chuyển dạ phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

      Sốt xuất huyết không gây dị tật thai nhi, nên thai phụ không nên quá lo lắng về việc này. Tuy nhiên, cần chú ý nếu trong khu vực sống đang lưu hành dịch bệnh Zika nên đi xét nghiệm xem có bị nhiễm virus Zika hay không hoặc bị các bệnh lý khác như cúm… Vì bệnh lý này mới gây dị tật thai nhi.

      Những bệnh nhân mang thai khi mắc sốt xuất huyết cần phải theo dõi chặt chẽ để hạn chế biến chứng. Vì vậy, chị em cần đi khám sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh.

      Chính vì những biến chứng khó lường và nguy hiểm trên phụ nữ đang mang thai bị sốt xuất huyết thì cần phải đi thăm khám ngay. Bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm hoặc các biện pháp thăm dò để theo dõi sát tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi để đưa ra những xử trí kịp thời nếu có dấu hiệu nguy hiểm.

      Làm gì khi sốt xuất huyết trong thai kỳ?

      Khi phát hiện bị nhiễm sốt xuất huyết, sản phụ không nên quá lo lắng. Cần giữ bình tĩnh và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. 

      Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt theo những chỉ định của bác sĩ, nhằm tránh việc sốt xuất huyết có biến chứng, nên chú ý những điều sau:

      • Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để sử dụng tại nhà nếu không có sự chỉ định hay hướng dẫn của bác sĩ.
      • Theo dõi sát nhiệt độ vì sốt có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động nguy hiểm cho thai. Nếu sốt > 38 độ C cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát, không đắp chăn,…
      • Hạn chế vận động, đi lại, nên nghỉ ngơi tại giường.

      Có thể bổ sung các loại nước trái cây như nước chanh, cam, bưởi, dưa hấu để bổ sung vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng trong thời gian bị bệnh,… Bổ sung vitamin cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng trong thời gian bị sốt xuất huyết

      • Ăn chín, uống sôi, các thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng dầy đủ.
      • Tránh những căng thẳng, lo âu không đáng có gây ảnh hưởng đến thai nhi và tình trạng có thai.
      • Cần theo dõi sát những dấu hiệu bất thường trong cơ thể mình như: đau ngực, khó thở, ho, sốt, chảy máu, đau bụng,… cũng như theo dõi sát em bé. Nếu có bất thường cần báo lại ngay cho bác sĩ.
      • Nếu bị nhiễm bệnh vào các tuần thai cuối, bạn nên nhập viện theo dõi tình trạng bệnh và thai sản ở cơ sở y tế lớn, uy tín nhằm xử lý kịp thời những tình huống nguy hiểm hay chuyển dạ có thể xảy ra.

      Phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai

      Do có sức đề kháng kém hơn bình thường, phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, vì vậy việc phòng chống bệnh nên được đặt lên hàng đầu. Đối với sốt xuất huyết, cách phòng tránh tốt nhất là cần diệt nguồn lây qua muỗi vằn. Có rất nhiều biện pháp để thực hiện:

      • Ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi: Đậy kín các đồ dùng chứa nước, thả cá diệt bọ gậy, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh,…
      • Phun thuốc diệt muỗi theo lịch của tổ dân phố, phường, xã khi được phát động. Sử dụng các phương pháp diệt muỗi cá nhân như: đốt hương muỗi, phun thuốc xịt muỗi bằng bình xịt tại nhà, sử dụng vợt muỗi, xoa kem chống muỗi.
      • Có thể sử dụng một số hương liệu thiên nhiên sẵn có như vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ chanh, sả,… để trong nhà giúp đuổi muỗi.
      • Tránh mặc quần áo cộc tay đề phòng muỗi đốt.
      • Căng màn kín khi đi ngủ.
      • Nếu vào mùa nóng có thể bật điều hòa vì muỗi sợ lạnh.
      • Thăm khám thai định kỳ, phát hịện sớm các nguy cơ để can thiệp điều trị kịp thời.

      BS THÙY NHUNG – KHOA ĐIỀU TRỊ THEO YÊU CẦU

      Nguồn: http://bvphusanct.com.vn/

      Để lại một bình luận

      Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *