GỢI Ý CÁCH XỬ LÝ DỊ ỨNG VÀ DÙNG THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG CHO PHỤ NỮ TRONG THAI KỲ

Chưa phân loại

I. Đặt vấn đề

Thuốc dùng cho mẹ có thể gây tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thai nhi. Khi người mẹ mang thai dùng thuốc, các thuốc có thể vận chuyển được qua rau thai vào vòng tuần hoàn của thai. Lợi dụng điều này, đôi khi thuốc có thể dùng cho người mẹ để điều trị một số rối loạn của thai [1]. Tuy nhiên, song song với việc điều trị rối loạn của thai, một số thuốc khi vào được rau thai đồng thời có thể gây hại cho thai nhi.

Phụ nữ khi mang thai thường xuyên biểu hiện các trạng thái dị ứng, thêm vào đó quá trình mang thai thường làm nặng thêm các triệu chứng của dị ứng do sự thay đổi lớn về nội tiết. Mặc dù ngứa không gây nguy hiểm tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống khiến họ cần đến thuốc điều trị. Vấn đề khiến thai phụ quan tâm nhất là dùng thuốc thế nào để bảo đảm an toàn cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ [2].

II. Một số nguyên nhân gây ra dị ứng cho bà bầu

Thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa hoặc mề đay… là những triệu chứng thường thấy ở những bà bầu. Tuy nhiên, có những bà bầu đã từng bị các bệnh dị ứng trước khi mang thai như viêm xoang, viêm mũi, hen suyễn… Khi đó, trong thai kỳ bệnh sẽ có biểu hiện nặng hơn, gây ra nhiều khó chịu. Ngược lại, chứng viêm mũi thai kỳ chỉ xuất hiện khi mang thai, ở 20 – 30% bà bầu. Thông thường, khi bị viêm mũi thai kỳ thì không cần dùng thuốc chữa dị ứng cho bà bầu [2].

Một vài nguyên nhân gây dị ứng ở phụ nữ mang thai có thể kể đến như [3], [4]:

– Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể: Khi mang thai, nồng độ Estrogen, Progesteron trong huyết tương thay đổi, từ đó làm tăng kích thích tế bào hắc tố và Proopiomelanocortin, dẫn đến dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa.

– Tiếp xúc với các dị nguyên bên ngoài: Côn trùng, khói bụi, phấn hoa, nước hoa, lông động vật, hóa chất,… dễ gây kích ứng.

– Sử dụng các thực phẩm chức năng: Việc tăng cường bổ sung canxi, thuốc bổ, sắt… trong thời gian mang thai có thể gây nên dị ứng, mề đay.

– Những nguyên nhân khác: Thay đổi thời tiết, sức đề kháng yếu, cơ địa dễ dị ứng do di truyền,..

III. Các nguyên tắc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai

Khi có thai, dược động học của thuốc ở người phụ nữ có nhiều thay đổi phức tạp. Về nguyên tắc, liều lượng thuốc dùng cho phụ nữ có thai vào bất cứ thời điểm nào cũng phải ở liều thấp nhất có hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ gây độc cho thai nhi. Tuy nhiên, có trường hợp phải tăng liệu do đặc điểm dược động học ở phụ nữ có thai có những khác biệt hoặc do ảnh hưởng của tình trạng mang thai làm cho một số bệnh nặng thêm. Vì vậy việc điều chỉnh liều lượng thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai phải được lưu ý, cần dựa vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân, tốt nhất là dựa vào nồng độ thuốc ở dạng tự do trong máu. Một số nguyên tắc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai [1]:

  1. Hạn chế tối đa dùng thuốc, nên lựa chọn các phương pháp điều trị không dùng thuốc.
  2. Tránh không dùng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
  3. Dùng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả với thời gian ngắn nhất
  4. Lựa chọn thuốc đã được chứng minh là an toàn, tránh dùng những thuốc chưa được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ có thai.

IV. Gợi ý cách xử lý khi phụ nữ mang thai bị dị ứng

Phụ nữ mang thai  không nên tự ý uống thuốc, vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Thay vào đó nên đi khám và thực hiện theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Khi mang thai bị dị ứng, bạn nên thực hiện tốt những điều sau [2]:

– Tránh tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh dị ứng như ô nhiễm môi trường, nguồn nước bẩn.

Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi và uống nhiều nước. Đồng thời nên hạn chế những thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, rượu bia, thức ăn cay nóng và thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá….

– Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, cũng không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến cho da bị khô hơn.

– Hạn chế tắm xà bông, gội đầu bằng các loại dầu gội chứa nhiều chất hóa học và chất tạo mùi.

– Hạn chế gãi để tránh cho da bị chày xước, nhiễm khuẩn.

– Khi thời tiết lạnh hoặc ra ngoài thì nên giữ ấm cơ thể để tránh bị gây ngứa hoặc gia tăng cơn ngứa.

– Nên mặc quần áo thoáng mát, vải mềm mịn và dễ thấm mồ hôi, vì nếu ra mồ hôi sẽ khiến vùng da dị ứng bị ngứa hơn.

V. Sử dụng thuốc chống dị ứng cho phụ nữ mang thai

Mặc dù dị ứng không trực tiếp tác động đến thai nhi, tuy nhiên những triệu chứng như hắt hơi, ngứa,… lại ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày của bà bầu như ăn uống (do dị ứng hải sản), giấc ngủ…. Do đó, một số bà bầu được chỉ định dùng thuốc dị ứng để giúp làm giảm các triệu chứng, Hai nhóm thuốc phổ biến nhất để điều trị dị ứng hiện nay là thuốc kháng histamin và corticoid.

Thuốc kháng histamine: Các thuốc kháng histamine thế hệ 1 như chlorpheniramine, thế hệ 2 như cetirizine, levocetirizin, loratadin đều thuộc nhóm thuốc B và được ưu tiên lựa chọn để điều trị dị ứng trong thai kỳ.

Các thuốc corticosteroid: Corticoid là thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nên để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ thường khuyên nên tránh dùng corticoid đường uống hoặc tiêm truyền cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu.

Trong những tháng tiếp theo, phụ nữ mang thai  muốn dùng thuốc corticoid chữa dị ứng, phải được bác sĩ chỉ định và cân nhắc cụ thể về liều dùng. Chỉ dùng các loại thuốc corticoid để điều trị bệnh khi thật cần thiết và các biện pháp điều trị khác đã thất bại [2].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Thị Kim Huyền và cs. (2006). Dược Lâm Sàng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

2. Quang Tuấn (2020). Gợi ý cách sử dụng thuốc chống dị ứng cho bà bầu, 25/03/2020, từ

3. <https://www.baosonhospital.com/nguyen-nhan-va-dieu-tri-hien-tuong-noi-me-day-khi-mang-thai>

4. <https://medlatec.vn/tin-tuc/mot-so-truong-hop-di-ung-khi-dang-mang-thai-va-muc-do-nguy-hiem-s107-n24018>

DS. Nguyễn Trọng Tường – Phòng VT-TTBYT

Nguồn: http://bvphusanct.com.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *